Thống kê truy cập

Số lượng và lượt người truy cập

  • Online 24

  • Hôm nay 1126

  • Tổng 2.834.480

Bình chọn

Theo bạn thông tin nội dung website thế nào ?

Hữu ích
Dễ sử dụng
Phong phú đa dạng

459 người đã tham gia bình chọn

Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội tổ chức Hội nghị triển khai nhiệm vụ năm 2024

Font size : A- A A+

           Sáng ngày 26/12/2023, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội đã tổ chức Hội nghị triển khai nhiệm vụ năm 2024 theo hình thức trực tiếp và trực tuyến. Tại điểm cầu Trung ương có đồng chí Trần Hồng Hà, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Thủ tướng Chính phủ và Lãnh đạo Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội - Chủ trì Hội nghị. Tại điểm cầu tỉnh Quảng Bình có đồng chí Nguyễn Trường Sơn, Tỉnh ủy viên, Giám đốc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội - Chủ trì.

Chủ trì tại điểm cầu Trung ương

Toàn cảnh tại điểm cầu Quảng Bình

Phát biểu khai mạc Hội nghị, đồng chí Đào Ngọc Dung, Ủy viên Trung ương Đảng, Bộ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội đã đánh giá khái quát tình hình triển khai thực hiện trong thời gian qua và đề ra mục tiêu thực hiện trong năm 2024 như sau:

Năm 2023 là năm giữa nhiệm kỳ, năm bản lề, có ý nghĩa rất quan trọng trong việc thực hiện các Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng, Nghị quyết của Quốc hội về Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2021-2025, tạo động lực cho các năm tiếp theo để thực hiện thành công các mục tiêu đã đề ra. Dưới sự Lãnh đạo của Đảng, sự giám sát của Quốc hội, sự chỉ đạo, điều hành quyết liệt của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ; với quyết tâm của cán bộ, công chức, người lao động toàn ngành và sự phối hợp chặt chẽ của các cấp, các ngành, các địa phương, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội đã tổ chức thực hiện đồng bộ, linh hoạt, hiệu quả các nhiệm vụ, giải pháp trên các lĩnh vực lao động, người có công và xã hội; kịp thời xử lý, phản ứng chính sách; vừa thực hiện các nhiệm vụ thường xuyên, vừa chú trong xử lý những tồn đọng, những vấn đề mới phát sinh.

Cùng với sự phục hồi và phát triển các ngành, lĩnh vực kinh tế, thị trường lao động tiếp tục được phục hồi, lực lượng lao động, số người có việc làm và thu nhập của người lao động đều tăng so với năm 2022. Kết nối cung - cầu lao động được tăng cường và lần đầu tiên triển khai thí điểm sàn giao dịch làm việc trực tuyến toàn quốc, qua đó hỗ trợ kịp thời cho người lao động tìm kiếm việc làm. Hoạt động đưa lao động đi làm việc ở nước ngoài phục hồi tích cực, cao hơn thời điểm trước đại dịch COVID-19, đạt mức cao nhất từ trước đến nay. Các chính sách ưu đãi người có công với cách mạng, trợ giúp xã hội, bảo hiểm xã hội, bảo hiểm thất nghiệp, giảm nghèo, chăm sóc người cao tuổi, trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt được thực hiện đầy đủ, kịp thời, góp phần nâng cao đời sống Nhân dân, bảo đảm an sinh xã hội.

Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đã đạt được vẫn có những khó khăn, hạn chế cần khắc phục như:

Chất lượng cung lao động còn hạn chế, chưa đáp ứng cho cầu lao động của một thị trường lao động hiện đại, linh hoạt, bền vững và hội nhập; nhân lực qua đào tạo có bằng cấp chứng chỉ, nhất là nhân lực chất lượng cao còn thiếu, chưa đáp ứng được nhu cầu của nhiều địa phương kinh tế trọng điểm và các doanh nghiệp; phần lớn hộ nghèo, hộ cận nghèo thiếu sinh kế, việc làm, thu nhập thấp, không ổn định; mức chuẩn trợ giúp xã hội quá thấp so với mức sống tối thiểu; tệ nạn xã hội diễn ra dưới các hình thức tinh vi, phức tạp, gây bức xúc trong dư luận xã hội; cơ sở vật chất và trang thiết bị tại các cơ sở cai nghiện ma túy công lập chưa đáp ứng được yêu cầu công tác cai nghiện.

Một số nhiệm vụ chuyển đổi số, xây dựng cơ sở dữ liệu chậm triển khai. Còn 09 địa phương chưa triển khai công tác chi trả trợ cấp an sinh xã hội không dùng tiền mặt đối với các đối tượng hưởng chính sách. Hạ tầng ứng dụng công nghệ thông tin phục vụ cho công tác chuyển đổi số đầu tư chưa đáp ứng yêu cầu của tình hình mới.

Việc kiểm tra việc thực hiện kết luận thanh tra, quyết định xử lý sau thanh tra đối với đối tượng được thanh tra chưa được triển khai nhiều; tỷ lệ thu hồi tiền qua đôn đốc, xử lý thanh tra và cưỡng chế thi hành quyết định xử phạt vi phạm hành chính còn thấp, đặc biệt trong lĩnh vực người có công.

Người đứng đầu một số cơ quan, đơn vị chưa quyết liệt trong công tác chỉ đạo, điều hành, tổ chức triển khai thực hiện nhiệm vụ; còn tình trạng một bộ phận cán bộ, công chức, viên chức có biểu hiện né tránh, đùn đẩy công việc, sợ sai, sợ trách nhiệm, không dám tham mưu, đề xuất xử lý công việc dẫn đến công việc chậm tiến độ, giảm hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước. Giải ngân vốn đầu tư công chậm; triển khai Chương trình mục tiêu quốc gia gặp nhiều khó khăn, vướng mắc.

Để thực hiện thắng lợi mục tiêu, nhiệm vụ về lao động, người có công và xã hội, nhằm góp phần hoàn thành Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2024, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội đã đưa ra phương châm “Đoàn kết, kỷ cương, đổi mới, phát triển” với 06 quan điểm, trọng tâm chỉ đạo, điều hành như sau:

1. Hoàn thiện thể chế, xây dựng và tổ chức thi hành pháp luật về lao động, người có công và xã hội đảm bảo hiệu quả, hiệu lực, góp phần hoàn thiện thể chế chung, đóng góp tích cực cho phát triển kinh tế - xã hội của đất nước.

2. Tập trung triển khai tốt các chính sách ổn định thị trường lao động và phát triển thị trường lao động đầy đủ, hiện đại, vận hành linh hoạt, đảm bảo đồng bộ, liên thông đa tầng, đa ngành, đa lĩnh vực, đa vùng và hội nhập quốc tế.

3. Tiếp tục đổi mới, tạo sự chuyển biến mạnh mẽ về chất lượng và hiệu quả của giáo dục nghề nghiệp. Tập trung đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao đáp ứng nhu cầu thị trường lao động, góp phần nâng cao năng suất lao động và sức cạnh tranh của nền kinh tế.

4. Hoàn thiện, phát triển hệ thống an sinh xã hội bao trùm, toàn diện, đa dạng và nâng cao khả năng tiếp cận của các nhóm đối tượng, nhất là đối tượng yếu thế và người dân tộc thiểu số.

5. Tiếp tục đẩy mạnh cải cách hành chính, ứng dụng công nghệ thông tin, thực hiện chuyển đổi số toàn diện lĩnh vực lao động, người có công và xã hội.

6. Tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát tình hình thực hiện các chính sách pháp luật về lao động, người có công và xã hội. Siết chặt kỷ luật, kỷ cương hành chính, tài chính - ngân sách. Đẩy mạnh phân cấp, phân quyền gắn với tinh thần, trách nhiệm của người đứng đầu trong thực thi công việc, khắc phục tình trạng đùn đẩy, né tránh trách nhiệm.

Đồng thời, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội còn đưa ra 14 giải pháp để triển khai thực hiện trong năm 2024. Hội nghị thực hiện trong buổi sáng ngày 26/12/2023 và được tổ chức thành công tốt đẹp./.

Hồng Giang

More

VĂN BẢN MỚI

Lịch làm việc

›› Chọn ngày để xem lịch

Tải lịch tuần