Thống kê truy cập

Số lượng và lượt người truy cập

  • Online 11

  • Hôm nay 1637

  • Tổng 2.622.558

Bình chọn

Theo bạn thông tin nội dung website thế nào ?

Hữu ích
Dễ sử dụng
Phong phú đa dạng

458 người đã tham gia bình chọn

Quảng Bình thực hiện kịp thời công tác hỗ trợ người dân gặp khó khăn do đại dịch Covid-19

Font size : A- A A+

           Sự xuất hiện và bùng phát của đại dịch Covid-19 ở nhiều quốc gia trên thế giới trong đó có Việt Nam đã gây ảnh hưởng lớn đến mọi mặt đời sống, kinh tế - xã hội. Theo thống kê đến tháng 9/2020, toàn quốc ghi nhận hơn 70.000 doanh nghiệp và hộ kinh doanh tạm ngừng hoạt động hoặc đóng cửa do Covid-19, gây ảnh hưởng đến việc làm của trên 31 triệu lao động. Trước tình hình đó, nhằm hỗ trợ người dân đảm bảo được mức sống tối thiểu trong thời gian thực hiện các biện pháp cách ly xã hội, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết số 42/NQ-CP ngày 09/4/2020 về thực hiện các biện pháp hỗ trợ người dân gặp khó khăn do đại dịch Covid-19; trên cơ sở đó Thủ tướng Chính phủ cũng đã ký Quyết định số 15/2020/QĐ-TTg quy định về việc thực hiện hỗ trợ người dân gặp khó khăn do đại dịch Covid-19. Đây là chính sách hoàn toàn mới và chưa có trong tiền lệ, vì vậy để triển khai thực hiện hỗ trợ đạt hiệu quả và không để phát sinh vấn đề phức tạp là vấn đề hết sức khó, vừa làm vừa học hỏi để đưa ra giải pháp phù hợp với tình hình thực tế của địa phương Quảng Bình.

  Đối với tỉnh Quảng Bình, trong thời gian thực hiện các biện pháp phòng chng dịch bệnh theo chỉ đạo của Chính phủ, hàng chục nghìn lao động bị mất việc làm hoặc ngừng việc tạm thời. Theo số liệu dự ước đến cuối năm 2020, trên địa bàn tỉnh có khoảng 2.500 doanh nghiệp phải thu hẹp quy mô sản xuất, kinh doanh, tạm dừng hoạt động hoặc thông báo phá sản do ảnh hưởng của dịch Covid-19 và các nguyên nhân khác dẫn đến gần 25.000 lao động buộc tạm ngừng việc, nghỉ việc không hưởng lương, mất việc làm hoặc làm việc luân phiên. Chính vì vậy, năm 2020 tỷ lệ thất nghiệp chung toàn tỉnh tăng đến 2,7%. Căn cứ Nghị quyết số 42/NQ-CP và Quyết định số 15/2020/QĐ- TTg, Ủy ban nhân dân tỉnh Quảng Bình đã ban hành Kế hoạch, đồng thời thành lập Ban Chỉ đạo triển khai thực hiện các biện pháp hỗ trợ người dân gặp khó khăn trên địa bàn tỉnh Quảng Bình, trong đó giao Sở Lao động – Thương binh và Xã hội làm cơ quan thường trực của Ban Chỉ đạo. Trong quá trình tham mưu Ủy ban nhân dân tỉnh chỉ đạo, triển khai thực hiện công tác hỗ trợ người dân gặp khó khăn do đại dịch Covid-19 tại 08 huyện, thị xã, thành phố trên địa bàn tỉnh đã đạt được một số kết quả quan trọng, cụ thể:

  Sau 5 tháng tích cực triển khai rà soát từ cấp xã, qua thẩm định hồ sơ đối tượng đề nghị, tỉnh Quảng Bình đã hoàn thành việc chi trả kinh phí hỗ trợ cho 161.048 đối tượng chịu ảnh hưởng của đại dịch Covid-19 với tổng kinh phí là 166,813 tỷ đồng, trong đó bao gồm:

          - 18.999 người thuộc đối tượng người có công với cách mạng, kinh phí hỗ trợ: 28,399 tỷ đồng;

          - 125.963 người thuộc đối tượng hộ nghèo, hộ cận nghèo và đối tượng bảo trợ xã hội, kinh phí hỗ trợ: 121,428 tỷ đồng;

          - 512 người lao động tạm hoãn thực hiện hợp đồng lao động hoặc nghỉ việc không hưởng lương; kinh phí hỗ trợ: 1,59 tỷ đồng;

          -  122 hộ kinh doanh có doanh thu khai thuế dưới 100 triệu đồng/năm, kinh phí hỗ trợ: 146,2 triệu đồng;

          - 15.420 người lao động không có giao kết hợp đồng lao động bị mất việc làm, kinh phí hỗ trợ: 15,196 tỷ đồng;

          - 32 người lao động bị mất việc nhưng không đủ điều kiện hưởng trợ cấp thất nghiệp, kinh phí hỗ trợ: 44,2 triệu đồng.

          Bên cạnh đó, thực hiện hướng dẫn của Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội tại Công văn số 1511/LĐTBXH-BHXH ngày 04/5/2020 về việc tạm dừng đóng vào quỹ hưu trí, tử tuất, Sở Lao động – Thương binh và Xã hội đã phối hợp với Bảo hiểm xã hội tỉnh hướng dẫn cho người sử dụng lao động thực hiện thủ tục tạm dừng đóng vào quỹ hưu, tử tuất do ảnh hưởng của dịch Covid-19. Người sử dụng lao động nộp hồ sơ tại đề nghị tại cơ quan bảo hiểm xã hội nơi đăng ký tham gia BHXH. Tính đến ngày 01/10/2020, toàn tỉnh có 102 đơn vị với 2.109 người lao động được tạm dừng đóng vào quỹ hưu trí, tử tuất; tổng số tiền tạm dừng đóng là 3.809.000.000 đồng. Sau khi hết thời gian thực hiện các biện pháp giãn cách xã hội để phòng chống dịch Covid-19, các doanh nghiệp, tổ chức đã hoạt động sản xuất, kinh doạnh trở lại. Từ đầu tháng 6/2020, nhiều doanh nghiệp đã tiếp tục tham gia bảo hiểm xã hội và đóng bù số tiền tạm dừng đóng vào quỹ hưu trí, tử tuất theo đúng quy định.

          Tỉnh Quảng Bình được đánh giá là một trong những địa phương triển khai nhanh chóng, kịp thời và hoàn thành cơ bản công tác hỗ trợ người dân gặp khó khăn do dịch Covid-19 trên địa bàn tỉnh.

Một số khó khăn, vướng mắc trong quá trình triển khai thực hiện.        

 1. Đối với chính sách hỗ trợ người lao động có giao kết hợp đồng lao động, hợp đồng làm việc

- UBND cấp huyện, cấp xã gặp vướng mắc trong việc hướng dẫn đối với trường hợp người lao động có hộ khẩu thường trú tại địa phương này nhưng đến làm việc và tạm trú tại địa phương khác; người lao động đi làm việc ở nước ngoài có thời hạn theo hợp đồng khi nghỉ làm và trở về Việt Nam do dịch Covid-19 hoặc vướng mắc trong thành phần hồ sơ theo quy định tại Khoản 1, Điều 2 Quyết định số 15/2020/QĐ-TTg bao gồm bản sao văn bản thỏa thuận tạm hoãn hợp đồng lao động hoặc nghỉ việc không hương lương, tuy nhiên những hình thức văn bản nào được coi là văn bản thỏa thuận đủ điều kiện thì chưa được quy định rõ.

- Một số doanh nghiệp có số lượng lao động lớn, để tránh việc phải tuyển dụng lao động sau khi được phép hoạt động kinh doanh trở lại thì trong thời gian tạm dừng sản xuất kinh doanh do dịch Covid-19, các doanh nghiệp này giữ chân người lao động bằng cách phân công lao động đi làm luân phiên (mỗi nhóm người lao động làm việc 10 – 15 ngày/ tháng rồi tạm nghỉ để nhóm khác thay phiên), trong khi đó thực tế doanh nghiệp hiện đang thực sự gặp khó khăn.

2. Đối với chính sách hỗ trợ người lao động không có giao kết hợp đồng lao động

- Các địa phương phản ánh, đề nghị số lao động làm việc trong lĩnh vực vận tải hành khách, hàng hóa, xây dựng (thợ xây, phụ hồ), dịch vụ vui chơi, giải trí (cắt tóc, karaoke, rạp chiếu phim, sàn nhảy,…) cũng phải tạm dừng hoạt động theo Chỉ thị số 05/CT-UBND ngày 27/3/2020 của UBND tỉnh, chịu ảnh hưởng lớn do dịch Covid-19 nhưng lại không nằm trong danh mục các ngành nghề được hỗ trợ.

- Phát sinh một số lao động làm công việc mang tính chất đặc thù tập trung tại các trung tâm du lịch như khuân vác hành lý cho khách du lịch, lái thuyền du lịch, nhiếp ảnh hoặc bán hàng lưu niệm tại các khu du lịch cũng phải tạm ngừng việc trong thời gian đóng cửa các địa điểm du lịch nhưng không thuộc đối tượng được hỗ trợ.

- Nhiều hộ gia đình được giao đất nông nghiệp theo Nghị định số 64-CP ngày 27/9/1993 của Chính phủ, tuy nhiên diện tích đất canh tác không đảm bảo mức sống cho gia đình nên họ mở thêm một số dịch vụ nhỏ, lẻ khác, chịu ảnh hưởng của dịch Covid-19 nhưng không thuộc đối tượng được hỗ trợ.

- Đối tượng người bán hàng rong không có địa điểm cố định cũng chưa có văn bản hướng dẫn cụ thể ngành nghề, công việc nào để UBND cấp xã làm căn cứ xác định chính xác đối tượng đủ điều kiện.

3. Đối với chính sách hỗ trợ hộ kinh doanh

Thực trạng tại các địa phương có phản ánh, theo quy định hộ kinh doanh có doanh thu khai thuế dưới 100 triệu đồng/năm thì được miễn các loại thuế, phí. Do đó những hộ kinh doanh này không thể xuất trình Thông báo nộp thuế theo hướng dẫn về hồ sơ đề nghị hỗ trợ tại Quyết định số 15/2020/QĐ-TTg.

4. Đối với chính sách hỗ trợ đối tượng thuộc hộ nghèo, hộ cận nghèo, người có công với Cách mạng và đối tượng bảo trợ xã hội

- Việc xác định đối tượng gặp một số vướng mắc như: trường hợp vợ liệt sĩ tái giá, hộ nghèo, hộ cận nghèo có nhân khẩu đi làm việc tại các địa phương khác nhưng vẫn có tên trong sổ hộ khẩu và được tính vào tổng số nhân khẩu thuộc hộ được nhận hỗ trợ.

- Việc chi trả trước cho các đối tượng này phát sinh bất cập trong trường hợp người đã được nhận hỗ trợ thuộc nhóm đối tượng này đồng thời đủ điều kiện để hưởng chính sách hỗ trợ khác với mức hỗ trợ cao hơn.

Một số vấn đề cần quan tâm thực hiện trong thời gian tới

Để tiếp tục và kịp thời giúp địa phương, doanh nghiệp, người lao động tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc nêu trên, với trách nhiệm cơ quan thường trực, Sở Lao động - Thương binh và Xã hội tham mưu UBND tỉnh tập trung chỉ đạo các phòng chuyên môn có liên quan phối hợp với các địa phương triển khai các giải pháp cơ bản sau đây:

 - Tăng cường công tác thông tin, tuyên truyền trên các phương tiện thông tin đại chúng đảm bảo thông tin về chính sách hỗ trợ được cập nhật thường xuyên, liên tục đến tận cơ sở và từng người dân. Đồng thời làm tốt công tác dân vận để người dân hiểu rõ về ý nghĩa của chính sách, tránh để xảy ra tâm lý tư lợi trong nhân dân;

          - Giao trách nhiệm cho người đứng đầu các địa phương trong việc triển khai thực hiện chính sách hỗ trợ từ khâu rà soát hồ sơ đề nghị đến chi trả kinh phí hỗ trợ cho người dân trên địa bàn đảm bảo công khai, minh bạch và đúng đối tượng;

          - Tăng cường sự phối hợp chặt chẽ, thường xuyên và kịp thời giữa các ngành có liên quan như Lao động – Thương binh, Thuế, Tài chính, Bảo hiểm xã hội,… trong việc thẩm định hồ sơ đề nghị hỗ trợ của đối tượng từ cấp huyện đến cấp tỉnh tránh để xảy ra sai sót, nhầm lẫn;

          - Tăng cường vai trò giám sát của Ủy ban Mặt trận tổ quốc Việt Nam trong triển khai thực hiện chính sách hỗ trợ tại cơ sở đảm bảo thực hiện đúng quy định và tránh phát sinh những vấn đề phức tạp trong quá trình triển khai;

          - Nhằm hỗ trợ các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất kinh doanh khôi phục thiệt hại do ảnh hưởng của dịch bệnh, ngoài chính sách hỗ trợ cho vay vốn trả lương ngừng việc cho người lao động, đề nghị Ủy ban nhân dân tỉnh bổ sung một số chính sách hỗ trợ doanh nghiệp tái hoạt động, sản xuất như gia hạn thời gian nộp thuế, miễn, giảm một số khoản thuế, phí,… nhằm giảm áp lực chi phí cho doanh nghiệp.

  Có thể thấy rằng, Nghị quyết số 42/NQ-CP ngày 09/4/2020 của Chính phủ và Quyết định số 15/2020/QĐ-TTg ngày 24/4/2020 của Thủ tướng Chính phủ về thực hiện các biện pháp hỗ trợ người dân gặp khó khăn do đại dịch Covid-19 được ban hành kịp thời, thực sự có ý nghĩa đối với người dân, đặc biệt đối với nhóm người lao động trong thời gian dịch bệnh bùng phát, từ đó góp phần đảm bảo an sinh xã hội. Triển khai có hiệu quả chính sách hỗ trợ người dân gặp khó khăn do đại dịch Covid-19 còn thể hiện được sự quan tâm, chăm lo đến đời sống nhân dân của Nhà nước ta, qua đó nâng cao giá trị niềm tin của nhân dân đối với Đảng và Nhà nước./.

 Phan Nam

More

VĂN BẢN MỚI

Lịch làm việc

›› Chọn ngày để xem lịch

Tải lịch tuần