Thống kê truy cập

Số lượng và lượt người truy cập

  • Online 2

  • Hôm nay 1379

  • Tổng 2.449.433

Bình chọn

Theo bạn thông tin nội dung website thế nào ?

Hữu ích
Dễ sử dụng
Phong phú đa dạng

458 người đã tham gia bình chọn

Kết quả hoạt động vì sự tiến bộ của phụ nữ tỉnh năm 2022

Xem với cỡ chữ : A- A A+

 

Năm 2022, Sở Lao động - Thương binh và Xã hội đã phối hợp với các sở, ban, ngành, địa phương triển khai công tác bình đẳng giới và Vì sự tiến bộ của phụ nữ tỉnh (VSTBCPN) đạt được kết quả như sau:

Tham mưu UBND tỉnh ban hành các Kế hoạch thực hiện Chương trình truyền thông về Bình đẳng giới đến năm 2030; Kế hoạch triển khai thực hiện công tác Bình đẳng giới và VSTBPN năm 2022; tham mưu Ban Chỉ đạo VSTBPN tỉnh ban hành Quyết định về Quy chế tổ chức và hoạt động của Ban VSTBPN tỉnh Quảng Bình.

Ngoài ra, một số cơ quan, đơn vị trên địa bàn tỉnh cũng đã tổ chức chỉ đạo, triển khai thực hiện trong đơn vị của mình, như: Công an tỉnh; Ban Dân tộc; Sở Tài chính; Sở Giao thông vận tải; Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn; Sở Văn hóa- Thể thao, Hội Liên hiệp Phụ nữ tỉnh…; một số sở, ban, ngành, UBND các huyện, thị xã, thành phố đã chủ động xây dựng kế hoạch triển khai thực hiện công tác bình đẳng giới và VSTBPN năm 2022 nhằm đảm bảo bình đẳng giới trên mọi lĩnh vực.

Bên cạnh đó, Sở Lao động- Thương binh và Xã hội đã phối hợp với Sở Nội vụ và trích từ nguồn kinh phí đảm bảo xã hội của Sở để tổ chức 04 lớp bồi dưỡng cho cán bộ, công chức cấp tỉnh, huyện, xã và thôn bản làm công tác bình đẳng giới với gần 400 người tham gia. Thực hiện in ấn gần 1.000 cuốn sách để cấp phát cho các sở, ban, ngành cấp tỉnh, cấp huyện, cấp xã trên địa bàn tỉnh nhân Tháng hành động vì bình đẳng giới năm 2022 với gần 50 triệu đồng.

Sở Nội vụ đã phối hợp với Sở Tài chính và các cơ quan liên quan tổ chức 75 lớp đào tạo, bồi dưỡng, góp phần nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức nữ trong toàn tỉnh. Trong đó có các lớp bồi dưỡng thực hiện mục tiêu Chiến lược quốc gia về bình đẳng giới, tập huấn kỹ năng về bình đẳng và phòng ngừa, ứng phó với bạo lực trên cơ sở giới.

Ban Dân tộc tỉnh đã phối hợp với Đài Phát thanh và Truyền hình tỉnh thu âm sản phẩm truyền thông về bình đẳng giới và cấp phát USB dữ liệu cho 13 xã có đồng bào dân tộc thiểu số sinh sống tập trung trên địa bàn tỉnh để thực hiện tuyên truyền, phổ biến pháp luật về Bình đẳng giới trên hệ thống loa truyền thanh cơ sở. Hướng dẫn xây dựng 36 Câu lạc bộ “Tăng cường sự tham gia của phụ nữ và thúc đẩy bình đẳng giới”; tổ chức các hoạt động tuyên truyền chống tảo hôn, hôn nhân cận huyết thống và phổ biến giáo dục pháp luật tại các trường phổ thông dân tộc nội trú trên địa bàn tỉnh với hơn 1.500 em tham gia.

Công an tỉnh đã tổ chức nhiều hoạt động hỗ trợ phụ nữ phát triển toàn diện phù hợp với điều kiện và đặc thù của đơn vị. Tiêu biểu là hoạt động tổ chức Lễ tuyên dương trao giải thưởng Phụ nữ Công an Quảng Bình tiêu biểu và tổng kết thi đua đặc biệt hưởng ứng đợt cao điểm tấn công trấn áp tội phạm dịp Tết Nguyên đán Nhâm Dần trong các cấp Hội và hội viên phụ nữ Công an tỉnh…

Vì vậy, công tác tuyên truyền, phối hợp của nhiều cơ quan đơn vị nhằm nâng cao nhận thức về bình đẳng giới giúp thúc đẩy phát triển kinh tế, vì khi cho phụ nữ cơ hội như nam giới, họ sẽ có khả năng giúp đỡ và san sẻ công việc cho nhau nhiều hơn. Do đó, đấu tranh cho quyền phụ nữ và bình đẳng giới là cần thiết và ý nghĩa trong mọi thời điểm.

Tháng hành động vì bình đẳng giới được triển khai qua Kế hoạch Tháng hành động vì bình đẳng giới và phòng ngừa, ứng phó với bạo lực trên cơ sở giới năm 2022, trong đó hướng dẫn các Ban VSTBPN các sở, ban, ngành cấp tỉnh và các huyện xây dựng kế hoạch triển khai các nội dung, hoạt động trong Tháng hành động. Tiêu biểu có Công an tỉnh đã tổ chức 01 buổi tuyên truyền pháp luật về các kỹ năng phòng ngừa xâm hại trẻ em cho gần 100 lượt giáo viên và học sinh; trao tặng “Thư viện vùng cao” với các trang thiết bị, đồ dùng thư viện (gồm 4 kệ sách, 6 bàn đọc, 50 ghế) và hơn 350 đầu sách nhiều lĩnh vực trị giá 50 triệu đồng tại Trường Phổ thông dân tộc bán trú Tiểu học và THCS Tân Trạch (huyện Bố Trạch).

Công tác phối hợp liên ngành đã được đẩy mạnh, đặc biệt là vai trò của Ban VSTBPN tỉnh trong công tác kiểm tra, xây dựng kế hoạch và đề xuất các chính sách liên quan VSTBPN và bình đẳng giới. Sở Lao động - Thương binh và Xã hội phối hợp với các sở, ban, ngành tham mưu Trưởng ban VSTBPN tỉnh ban hành Quyết định về Quy chế tổ chức và hoạt động của Ban VSTBPN tỉnh Quảng Bình phù hợp với tình hình thực tế hiện nay. Phối hợp với Sở Nội vụ và Hội Liên hiệp Phụ nữ tỉnh hoàn chỉnh báo cáo Tổng kết 10 năm thực hiện Nghị định 56/2012/NĐ-CP của Chính phủ. Phối hợp với 21 sở, ban, ngành liên quan xây dựng báo cáo Tổng kết 15 năm Thi hành Luật bình đẳng giới của tỉnh và ban hành nhiều văn bản liên quan đến công tác bình đẳng giới để triển khai thực hiện trong năm 2022.

Trong năm, các cơ quan, đơn vị, địa phương đã thực hiện kiện toàn Ban VSTBPN và triển khai các hoạt động theo quy định. Công tác cán bộ nữ của tỉnh được các cấp, các ngành quan tâm. Đội ngũ cán bộ nữ, nhất là cán bộ trẻ, cán bộ tham gia lãnh đạo, quản lý các cấp, các ngành tăng về số lượng; cơ cấu cán bộ nữ ngày càng hợp lý, từng bước phù hợp với yêu cầu, nhiệm vụ chính trị của cơ quan, đơn vị, địa phương. Tháng 8/2022, Ban Vì sự tiến bộ của phụ nữ Văn phòng Trung ương Đảng phối hợp với Ban Vì sự tiến bộ của phụ nữ tỉnh tổ chức hội thảo về một số nội dung của dự thảo Luật Phòng, chống bạo lực gia đình (sửa đổi). Kết quả đại diện Ban Vì sự tiến bộ của phụ nữ Văn phòng Trung ương Đảng trao tặng Ban Vì sự tiến bộ của phụ nữ tỉnh 30 triệu đồng.

Toàn cảnh Hội thảo

Hiện nay, đang duy trì mô hình “Địa chỉ tin cậy - Nhà tạm lánh cộng đồng” tại xã Sen Thủy (huyện Lệ Thủy), xã Quảng Tùng (huyện Quảng Trạch), xã Xuân Hóa (huyện Minh Hóa) và xã Phong Thủy (huyện Lệ Thủy). Các mô hình Địa chỉ tin cậy - Nhà tạm lánh được đặt tại Trạm y tế của các xã, được bảo quản tốt về cơ sở vật chất và duy trì hoạt động nhằm thực hiện việc kết nối với các cơ sở cung cấp dịch vụ hỗ trợ nạn nhân bị bạo lực, giúp nạn nhân nhanh chóng tiếp cận, sử dụng các dịch vụ tư vấn tâm lý, trợ giúp pháp lý và các dịch vụ liên quan khác.

Vừa qua, tại xã Xuân Hóa (huyện Minh Hóa), mô hình Địa chỉ tin cậy - Nhà tạm lánh cho nạn nhân bị bạo hành, bị bạo lực gia đình đã tiếp nhận 01 phụ nữ và hỗ trợ thiết yếu để giúp tạm lánh trong 04 ngày do chồng say rượu đánh đập và đuổi ra khỏi nhà.

Chính vì vậy, việc tuyên truyền nhằm nâng cao nhận thức của cán bộ công chức, viên chức (đặc biệt là cán bộ lãnh đạo nữ làm quản lý) và người dân về Hiến pháp, pháp luật về quyền bình đẳng và Luật bình đẳng giới…, lên án những hành vi vi phạm và kìm hãm việc thực hiện quyền bình đẳng giới như: tình trạng bạo lực gia đình, buôn bán phụ nữ và trẻ em, phân biệt đối xử giới, những hủ tục và quan điểm trọng nam khinh nữ, những vấn đề về công tác chăm sóc sức khoẻ cho bà mẹ và trẻ sơ sinh, về vai trò và vị trí của phụ nữ, trẻ em trong cuộc sống, trong học tập, công việc, gia đình và tham gia đoàn thể xã hội cần được chú trọng./.

Tố Oanh

Các tin khác

VĂN BẢN MỚI

Lịch làm việc

›› Chọn ngày để xem lịch

Tải lịch tuần