Thống kê truy cập

Số lượng và lượt người truy cập

  • Online 4

  • Hôm nay 1454

  • Tổng 2.541.168

Bình chọn

Theo bạn thông tin nội dung website thế nào ?

Hữu ích
Dễ sử dụng
Phong phú đa dạng

458 người đã tham gia bình chọn

Đẩy mạnh công tác phòng, chống tệ nạn xã hội

Xem với cỡ chữ : A- A A+

            Trong những năm qua, được sự quan tâm chỉ đạo của Tỉnh ủy, Uỷ ban nhân dân tỉnh, sự tham gia tích cực của các cấp, các ngành, đoàn thể và đông đảo các tầng lớp nhân dân, công tác phòng, chống tội phạm, phòng, chống tệ nạn xã hội trên địa bàn tỉnh đã đạt kết quả quan trọng, góp phần đảm bảo an ninh trật tự, ổn định xã hội. 

Với quan điểm lấy phòng ngừa làm trọng tâm trong công tác phòng, chống tệ nạn xã hội, nhằm giảm thiểu tác hại của ma túy, mại dâm, mua bán người đối với đời sống xã hội, Sở Lao động - Thương binh và Xã hội đã tổ chức thực hiện đồng bộ, quyết liệt và có hiệu quả các giải pháp, trong đó có giải pháp về tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật. Công tác tuyên truyền về phòng, chống tệ nạn xã hội ngày càng được củng cố, đi vào chiều sâu, thực chất và đạt được hiệu quả nhất định, góp phần kiềm chế các hành vi vi phạm pháp luật, đẩy lùi dần tệ nạn xã hội.

Xác định tuyên truyền, giáo dục phổ biến pháp luật là một trong những biện pháp quan trọng, hiệu quả trong đấu tranh phòng, chống tội phạm và tệ nạn ma túy, Sở Lao động - Thương binh và Xã hội đã phối hợp với các sở, ngành có liên quan và các địa phương tổ chức nhiều hoạt động tuyên truyền về phòng, chống ma túy, mại dâm, phòng, chống HIV/AIDS, phòng, chống mua bán người với nhiều hình thức phong phú, thiết thực, nội dung ngắn gọn, dễ hiểu, hấp dẫn đến cộng đồng dân cư, nhất là các thanh, thiếu niên và nhóm những người có nguy cơ cao.  

Năm 2020, Sở Lao động - Thương binh và Xã hội đã tổ chức 21 lớp tập huấn nâng cao năng lực công tác phòng, chống tệ nạn xã hội cho trên 1.000 lượt cán bộ cấp huyện, xã, thôn. Ngoài ra còn phối hợp với: Sở Y tế tổ chức 02 lớp tập huấn về tư vấn điều trị nghiện ma túy, quy trình cắt cơn điều trị cho người nghiện, xét nghiệm tìm chất ma túy và xác định tình trạng nghiện ma túy và cấp Giấy chứng nhận đủ điều kiện cho 197 bác sĩ, y sĩ, điều dưỡng viên các Trung tâm y tế huyện, thị xã, thành phố và các Trạm y tế xã, phường, thị trấn; Công an tỉnh tổ chức 02 hội nghị tập huấn công tác lập hồ sơ cai nghiện ma túy cho 356 Chỉ huy Công an các huyện, thị xã, thành phố và các xã, phường, thị trấn; Tỉnh đoàn Quảng Bình tổ chức 03 hội nghị tuyên truyền về phòng, chống mại dâm, bình đẳng giới hơn 800 đoàn viên, thanh niên trên địa bàn thành phố Đồng Hới; Hội Doanh nghiệp tỉnh tập huấn về phòng, chống tệ nạn mại dâm cho 260 cán bộ lãnh đạo và người lao động tại các Doanh nghiệp đóng trên địa bàn tỉnh; Hội Nông dân tỉnh tập huấn về công tác bình đẳng giới và phòng, chống mua bán người cho trên 500 hội viên Hội nông dân các huyện. Phối hợp với tổ chức Tầm nhìn thế giới tại Việt Nam và Tổ chức IOM triển khai các hoạt động của Dự án “Đấu tranh phòng, chống mua bán người và nô lệ thời hiện đại” tại địa bàn huyện Bố Trạch và thành phố Đồng Hới: đã tổ chức 10 lớp tập huấn cộng tác viên tại cộng đồng cho cán bộ làm công tác xã hội và đại diện một số ban ngành liên quan, với hơn 425 đại biểu tham gia.

Trong năm 2020, Sở Lao động - Thương binh và Xã hội đã chỉ đạo phòng Lao động - Thương binh và Xã hội các huyện, thị xã và thành phố và Cơ sở Cai nghiện ma túy thực hiện các hình thức tuyên truyền phù hợp với chức năng, nhiệm vụ của đơn vị, trong đó tập trung chỉ đạo thực hiện Tháng hành động phòng, chống ma túy năm 2020 với chủ đề “Phát huy tinh thần phòng chống dịch Covid-19, Hãy hành động vì cộng đồng không có ma túy”hưởng ứng “Ngày toàn dân phòng, chống mua bán người - 30/7” năm 2020

Tăng cường phối hợp với các cấp Hội tiếp tục duy trì hoạt động của một số mô hình phòng, chống ma túy, mại dâm như: “Mô hình xã, phường thị trấn lành mạnh không có ma túy mại dâm”, “Mô hình cựu chiến binh với công tác phòng chống tệ nạn ma túy, mại dâm”, “Mô hình Làng không ma túy”, “Mô hình toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa khu dân cư”…

Lễ ra quân của tỉnh về công tác tuyên truyền phòng, chống tệ nạn xã hội

 Ngoài việc điều trị cắt cơn, Cơ sở Cai nghiện ma túy tỉnh đã thực hiện tuyên truyền, giáo dục cho đối tượng về ý chí hướng thiện, tinh thần cố gắng vươn lên tìm lại cuộc sống. Cơ sở đã tổ chức các buổi nói chuyện chuyên đề phổ biến các kiến thức pháp luật liên quan đến ma túy và những kiến thức xã hội khác. Đa số học viên khi hết thời hạn cai nghiện trở về cộng đồng đều được trang bị kiến thức phòng chống ma túy và HIV/AIDS, được đào tạo nghề ngắn hạn. Trong năm 2020, Cơ sở cai nghiện ma túy tiếp nhận 106 lượt người nghiện ma túy vào cai nghiện chữa trị.

Đến nay trên địa bàn tỉnh Quảng Bình có 03 cơ sở điều trị Methadone tại cộng đồng do Ngành y tế quản lý. Các cơ sở điều trị Methadone trên địa bàn tỉnh đều đáp ứng đủ điều kiện hoạt động về cơ sở vật chất, trang thiết bị và nhân sự, theo đúng quy định tại Nghị định 90/2016/NĐ-CP ngày 01/7/2016 của Chính phủ quy định về điều trị nghiện các chất dạng thuốc phiện bằng thuốc thay thế. Số người nghiện đang điều trị thay thế bằng chất Methadone trong năm 2020 là 611 người. 

Bên cạnh công tác phòng, chống tệ nạn ma túy, công tác phòng chống tệ nạn mại dâm cũng được Sở Lao động - Thương binh và Xã hội tập trung chỉ đạo thực hiện. Trong năm 2020, Đội kiểm tra liên ngành phòng chống tệ nạn mại dâm 178 các cấp đã tổ chức thanh tra, kiểm tra 47 lượt cơ sở kinh doanh dịch vụ dễ lợi dụng để hoạt động mại dâm, trong đó có 13 cơ sở vi phạm đã được chấn chỉnh bằng hình thức nhắc nhở, đồng thời kiến nghị với các cơ quan chức năng thường xuyên kiểm tra chấn chỉnh việc thực hiện theo quy định pháp luật. Công an tỉnh đã thực hiện, bắt giữ 21 vụ với 113 đối tượng, khởi tố 19 vụ 23 bị can về tội chứa mại dâm và môi giới mại dâm, xử phạt hành chính 05 vụ 97 đối tượng.

Tình hình mua bán người tuy không nhiều nhưng diễn biến phức tạp. Trong quá trình đấu tranh phòng, chống tội phạm buôn bán phụ nữ, trẻ em trong thời gian qua cho thấy hoạt động tội phạm tập trung trên tuyến biên giới Việt Nam - Lào, Việt Nam - Trung Quốc hoặc bị dụ dỗ, lừa gạt buôn bán làm gái mại dâm. Theo thống kê của Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh có khoảng 152 trường hợp bị dụ dỗ, vượt biên trái phép, kết hôn có yếu tố nước ngoài hay xuất cảnh trái phép đi lao động thời vụ tại các nước…

Bên cạnh những kết quả đạt được, tình hình tội phạm và tệ nạn ma túy trên địa bàn tỉnh vẫn diến biến phức tạp, số đối tượng liên quan đến ma túy không ngừng gia tăng, đối tượng sử dụng với liều lượng ngày càng cao, lôi kéo thêm nhiều đối tượng khác cùng sử dụng, nhiều đối tượng sử dụng ma túy dạng đá và lá cần sa khô; một số đối tượng ngoại tỉnh thường xuyên móc nối, tìm cách đưa ma túy vào địa bàn tỉnh tiêu thụ; nhiều đối tượng liên quan đến ma túy đã tham gia vào các băng ổ, nhóm trộm cắp, cướp giật… ảnh hưởng đến tình hình trật tự, an toàn xã hội trên địa bàn. Theo thống kê đến năm 2020, trên địa bàn tỉnh Quảng Bình có 132/151 xã, phường, thị trấn liên quan đến ma túy, mại dâm, trong đó có 2.760 đối tượng có liên quan đến ma túy, 856 đối tượng có hồ sơ quản lý… 

Nhằm tạo sự chuyển biến tích cực trong nhận thức và hành động của người dân, đặc biệt là thanh, thiếu niên, góp phần ngăn chặn kịp thời, có hiệu quả các loại tội phạm, với trách nhiệm là cơ quan quản lý nhà nước về công tác phòng chống tệ nạn xã hội, chúng tôi đề xuất một số giải pháp về công tác tuyên truyền cụ thể như sau: 

Thứ nhất, Công tác tuyên truyền phòng chống tệ nạn xã hội cần được triển khai liên tục, sát thực, sâu rộng, tập trung vào các địa bàn trọng điểm, phức tạp; đa dạng hóa nội dung, hình thức, phương pháp tuyên truyền phù hợp với từng nhóm đối tượng, từng địa bàn dân cư.  

Cần quan tâm hơn nữa đến công tác tuyên truyền trong giới trẻ, đặc biệt là học sinh, sinh viên các trường THCS, trường THPT, Đại học, Cao đẳng, Trung tâm giáo dục, nghề nghiệp... giúp các em hiểu rõ, hiểu sâu về tác hại khôn lường của ma túy để có hành động đúng trong việc phòng ngừa. 

Thứ hai, thường xuyên tổ chức các Hội nghị tập huấn, tuyên truyền, giáo dục, nâng cao nhận thức của người dân về công tác phòng, chống tệ nạn xã hội, góp phần ngăn chặn kịp thời, có hiệu quả các loại tội phạm, tệ nạn xã hội, đặc biệt là tội phạm về ma túy, gắn công tác phòng chống tệ nạn xã hội với phong trào "Toàn dân tố giác tội phạm", phong trào "Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư"…

Thứ ba, cần có sự đồng thuận, quyết tâm, chuyển biến mạnh mẽ về nhận thức và hành động của toàn xã hội, chính quyền các cấp, các sở, ban, ngành, đoàn thể và nhân dân đối với công tác phòng, chống ma túy, mại dâm, mua bán người. Đồng thời phát huy vai trò lãnh đạo, chỉ đạo sát sao của cấp ủy Đảng, chính quyền từ tỉnh tới cơ sở trong việc tổ chức thực hiện các chương trình, kế hoạch về công tác phòng, chống tệ nạn xã hội; huy động sự tham gia của các tổ chức chính trị xã hội, tổ chức xã hội và người dân...                     

Để ngăn chặn, đẩy lùi các loại tội phạm và tệ nạn xã hội, góp phần đảm bảo an ninh trật tự, an toàn xã hội, cần phát huy sức mạnh tổng hợp, sự quan tâm vào cuộc quyết liệt, mạnh mẽ của các cấp, các ngành, các tổ chức đoàn thể, xã hội và toàn dân./.

 

                                                                                                            Tố Oanh

 

 

 

Các tin khác

VĂN BẢN MỚI

Lịch làm việc

›› Chọn ngày để xem lịch

Tải lịch tuần