Thống kê truy cập

Số lượng và lượt người truy cập

  • Online 6

  • Hôm nay 1415

  • Tổng 2.449.469

Bình chọn

Theo bạn thông tin nội dung website thế nào ?

Hữu ích
Dễ sử dụng
Phong phú đa dạng

458 người đã tham gia bình chọn

Một số điểm mới cần lưu ý về chế độ tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp năm 2020

Xem với cỡ chữ : A- A A+

           Ngày 28/7/2020, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 88/2020/NĐ-CP hướng dẫn thi hành một số điều của Luật An toàn, vệ sinh lao động về bảo hiểm tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp (BNN) bắt buộc (thay thế  Nghị định số 37/2016/NĐ-CP ngày 15 tháng 5 năm 2016 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật An toàn, vệ sinh lao động về bảo hiểm tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp bắt buộc), Nghị định có hiệu lực thi hành kể từ ngày 15/9/2020, có một số điểm mới đáng lưu ý cho người lao động (NLĐ) và người sử dụng lao động (NSDLĐ) cụ thể như sau:

1.     Hỗ trợ chi phí chữa bệnh nghề nghiệp cho người lao động

Nghị định 88/2020/NĐ-CP quy định chế độ cho NLĐ phát hiện bị BNN khi đã nghỉ hưu hoặc không còn làm việc trong các nghề, công việc có nguy cơ bị BNN.

Căn cứ khoản 3 Điều 5 Nghị định 88/2020/NĐ-CP, NLĐ bị BNN, thân nhân NLĐ bị BNN được Quỹ Bảo hiểm xã hội (BHXH) về TNLĐ, BNN chi trả các chế độ sau:

- Các chế độ theo quy định tại Mục 3 Chương III Luật AT, VSLĐ đối với NLĐ tham gia BHXH bắt buộc, bao gồm: Chi phí giám định thương tật, bệnh tật; trợ cấp một lần hoặc hằng tháng; trợ cấp phục vụ; hỗ trợ phương tiện trợ giúp sinh hoạt, dụng cụ chỉnh hình; dưỡng sức, phục hồi sức khỏe; trợ cấp khi NLĐ chết do BNN; đóng bảo hiểm y tế (BHYT) cho người nghỉ việc hưởng trợ cấp bảo hiểm BNN hằng tháng.

- Hỗ trợ 100% chi phí khám BNN tính theo biểu giá khám BNN do Bộ trưởng Y tế ban hành tại thời điểm NLĐ khám BNN sau khi đã được BHYT chi trả.  

- Hỗ trợ 100% chi phí chữa BNN tính theo biểu giá chữa BNN tại thời điểm NLĐ chữa BNN theo quy định của Bộ trưởng Y tế sau khi đã được BHYT chi trả. 

Như vậy, so với Nghị định 37/2016/NĐ-CP, Nghị định 88/2020/NĐ-CP nâng mức hỗ trợ chi phí chữa BNN lên 100% thay vì 50% như trước đây. Mặt khác, bổ sung thêm đối tượng được hưởng là “thân nhân NLĐ bị BNN” thay vì chỉ giới hạn là NLĐ bị BNN như trước đây.

2. Hỗ trợ kinh phí chữa bệnh nghề nghiệp không quá 15 triệu đồng

Nghị định 88/2020/NĐ-CP quy định, NLĐ được hỗ trợ kinh phí chữa BNN theo quy định tại Luật AT, VSLĐ 2015 khi có đủ các điều kiện sau: Đã được chẩn đoán bị BNN tại cơ sở khám bệnh, chữa BNN; Đã tham gia bảo hiểm TNLĐ, BNN đủ 12 tháng trở lên và đang tham gia tính đến tháng liền kề trước tháng đề nghị hỗ trợ kinh phí chữa BNN;  Có tham gia BHXH bắt buộc trong thời gian làm các nghề, công việc gây BNN.

Điều 21 Nghị định 88/2020/NĐ-CP quy định mức hỗ trợ kinh phí chữa BNN bằng 50% chi phí chữa BNN tính theo biểu giá chữa BNN tại thời điểm NLĐ chữa BNN theo quy định của Bộ trưởng Y tế sau khi đã được BHYT chi trả, nhưng không quá 15 triệu đồng/người.

So với quy định tại Nghị định 37/2016/NĐ-CP, mức hỗ trợ kinh phí chữa BNN cao nhất là 15 triệu đồng, thay cho quy định trước đây không quá 10 lần mức lương cơ sở/người.

Nghị định mới đã bỏ điều kiện NSDLĐ đã tổ chức khám, phát hiện BNN cho NLĐ theo quy định. Việc bỏ điều kiện này phù hợp với thực tế. Nếu giữ theo quy định cũ, nhiều NLĐ không được hưởng hỗ trợ kinh phí chữa BNN do nhiều đơn vị sử dụng lao động không tổ chức khám, phát hiện BNN cho NLĐ.

3. Không nghỉ việc không được hưởng chế độ dưỡng sức

Theo Điều 54 Luật An toàn, vệ sinh lao động 2015, sau khi điều trị ổn định thương tật do tai nạn lao động hoặc bệnh tật do BNN, trong thời gian 30 ngày đầu trở lại làm việc mà sức khỏe chưa phục hồi, NLĐ được nghỉ dưỡng sức, phục hồi sức khỏe từ 5 đến 10 ngày cho một lần bị TNLĐ, BNN.

Điều 9 Nghị định 88/2020/NĐ-CP quy định số ngày nghỉ dưỡng sức, phục hồi sức khỏe sau khi điều trị thương tật, bệnh tật bao gồm cả ngày nghỉ lễ, nghỉ Tết, nghỉ hằng tuần theo quy định của pháp luật về lao động.

Tuy nhiên, cũng theo Điều 9 của Nghị định 88, trường hợp NLĐ không nghỉ việc thì không được hưởng chế độ dưỡng sức, phục hồi sức khỏe sau khi điều trị thương tật, bệnh tật.

4. Hỗ trợ chuyển đổi nghề nghiệp 

NSDLĐ được hỗ trợ kinh phí đào tạo nghề để chuyển đổi nghề nghiệp cho NLĐ theo quy định tại Điều 55 Luật an toàn, vệ sinh lao động khi NLĐ có đủ các điều kiện sau đây: Suy giảm khả năng lao động do bị TNLĐ, BNN từ 31% trở lên; Được NSDLĐ sắp xếp công việc mới thuộc quyền quản lý phù hợp với sức khỏe, nguyện vọng của NLĐ nhưng công việc đó cần phải đào tạo nghề để chuyển đổi; Đang tham gia bảo hiểm TNLĐ, BNN theo quy định của pháp luật tại thời điểm bị TNLĐ, BNN.

Bên cạnh đó, học phí quy định tại khoản 2 Điều 55 của Luật AT, VSLĐ được tính trên cơ sở giá dịch vụ đào tạo nghề theo quy định của cơ quan nhà nước có thẩm quyền.

Sở Lao động – Thương binh và Xã hội quyết định hỗ trợ cho từng đối tượng. Mức hỗ trợ tối đa là 50% mức học phí, nhưng không quá 15 lần mức lương cơ sở.

5. Hỗ trợ khám bệnh nghề nghiệp 

NSDLĐ được hỗ trợ kinh phí để khám BNN cho NLĐ theo quy định tại điểm a khoản 2 Điều 56 Luật an toàn, vệ sinh lao động năm 2015 khi NLĐ có thời gian đóng bảo hiểm TNLĐ, BNN đủ từ 12 tháng trở lên và đang tham gia tính đến tháng liền kề trước tháng đề nghị hỗ trợ kinh phí khám BNN cho NLĐ. Đồng thời đã được phát hiện BNN tại các cơ sở khám bệnh, chữa BNN.

Mức hỗ trợ bằng 50% chi phí khám BNN tính theo biểu giá khám BNN do Bộ trưởng Y tế ban hành tại thời điểm NLĐ khám BNN sau khi đã được BHYT chi trả, nhưng không quá 800 nghìn đồng/người/lần khám.

6. Hỗ trợ kinh phí phục hồi chức năng lao động 

NLĐ được hỗ trợ kinh phí phục hồi chức năng lao động theo quy định tại điểm b khoản 2 Điều 56 Luật an toàn, vệ sinh lao động năm 2015 khi có đủ các điều kiện sau: Được cơ sở khám bệnh, chữa bệnh chỉ định phục hồi chức năng lao động; Suy giảm khả năng lao động từ 31% trở lên do TNLĐ, BNN; Đang tham gia bảo hiểm TNLĐ, BNN theo quy định của pháp luật tại thời điểm bị TNLĐ, BNN.

Mức hỗ trợ này tối đa bằng 50% chi phí phục hồi chức năng lao động tính theo biểu giá phục hồi chức năng lao động tại thời điểm NLĐ phục hồi chức năng lao động theo quy định của Bộ trưởng Y tế sau khi đã được BHYT chi trả, nhưng không vượt quá ba triệu đồng/người/lượt.

Với các khoản hỗ trợ trên đây, số lần hỗ trợ tối đa với mỗi NLĐ là hai lần và trong một năm chỉ được nhận hỗ trợ một lần.

7. Bổ sung chế độ bảo hiểm tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp đối với NLĐ giao kết hợp đồng lao động với nhiều NSDLĐ

Theo Điều 4 Nghị định 88/2020/NĐ-CP quy định NLĐ giao kết hợp đồng lao động với nhiều NSDLĐ nếu bị tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp thì được Quỹ bảo hiểm xã hội về tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp chi trả các chế độ sau đây:

Chi phí giám định thương tật, bệnh tật; trợ cấp hằng tháng hoặc 01 lần; trợ cấp phục vụ; hỗ trợ phương tiện trợ giúp sinh hoạt, dụng cụ chỉnh hình; dưỡng sức, phục hồi sức khỏe; trợ cấp khi NLĐ chết do TNLĐ; đóng BHYT cho người nghỉ việc hưởng trợ cấp bảo hiểm tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp hằng tháng;

Hỗ trợ chuyển đổi nghề nghiệp; khám bệnh, chữa bệnh nghề nghiệp; phục hồi chức năng lao động và huấn luyện an toàn, vệ sinh lao động.

Theo đó, so với quy định tại Điều 5 Nghị định 37/2016/NĐ-CP (hết hiệu lực từ 15/9/2020) thì quy định mới bổ sung thêm nhiều chế độ được hưởng trợ cấp hơn. Ngoài ra, quy định hiện hành không giới hạn tổng các mức tiền lương làm căn cứ đóng bảo hiểm trong trường hợp này, tuy nhiên với quy định mới thì mức này được giới hạn là không quá 20 tháng lương cơ sở.

        8. Thêm điều kiện hỗ trợ kinh phí huấn luyện an toàn, vệ sinh lao động

Theo Điều 32 Nghị định 88/2020/NĐ-CP quy định NSDLĐ được nhận kinh phí hỗ trợ huấn luyện an toàn, vệ sinh lao động khi có đủ các điều kiện sau:

- NSDLĐ có thời gian liên tục đóng bảo hiểm TNLĐ, bệnh nghề nghiệp cho NLĐ thuộc đối tượng đề nghị hỗ trợ huấn luyện từ đủ 12 tháng trở lên cho đến tháng đề nghị hỗ trợ kinh phí huấn luyện an toàn, vệ sinh lao động.

- Thuê tổ chức huấn luyện có đủ điều kiện theo quy định hoặc tự huấn luyện an toàn, vệ sinh lao động cho đối tượng đề nghị hỗ trợ huấn luyện lần đầu hoặc huấn luyện định kỳ theo đúng quy định pháp luật hiện hành.

- Thực hiện báo cáo định kỳ công tác an toàn, vệ sinh lao động, báo cáo tình hình TNLĐ của năm trước liền kề năm đề nghị cho Sở Lao động - Thương binh và Xã hội theo đúng quy định của pháp luật (quy định mới hoàn toàn).

Ngoài ra, tại Điều 34 Nghị định 88/2020/NĐ-CP cũng quy định NSDLĐ được nhận kinh phí hỗ trợ tối đa một lần trong vòng 24 tháng với mức 70% chi phí huấn luyện thực tế cho từng đối tượng đủ điều kiện được hỗ trợ huấn luyện nhưng tối đa không quá mức dưới đây:

- Hỗ trợ huấn luyện lần đầu:

+ Không quá 150.000 đồng/người với đối tượng được huấn luyện là an toàn vệ sinh viên;

+ Không quá 300.000 đồng/người với đối tượng được huấn luyện là người quản lý phụ trách an toàn, vệ sinh lao động và người làm công tác y tế;

+ Không quá 600.000 đồng/người với đối tượng là người làm công việc có yêu cầu nghiêm ngặt về an toàn, vệ sinh lao động;

+ Không quá 700.000 đồng/người với đối tượng được huấn luyện là người làm công tác an toàn, vệ sinh lao động.

- Riêng đối với hỗ trợ huấn luyện định kỳ không quá 50% mức hỗ trợ huấn luyện lần đầu theo quy định trên (trước đây là không quá 30% mức giá dịch vụ huấn luyện an toàn, vệ sinh lao động theo quy định).

          Trên đây là những điểm mới đáng chú ý về chế độ tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp cho người lao động và người sử dụng lao động có hiệu lực kể từ ngày 15/9/2020, theo đó quy định mới này theo hướng có lợi cho NLĐ, bổ sung thêm các chế độ hỗ trợ phù hợp để bảo vệ NLĐ, nhất là khi NLĐ bị tai nạn nghề nghiệp, bệnh nghề nghiệp.

                                                                                   Trần Phương Thảo

Các tin khác

VĂN BẢN MỚI

Lịch làm việc

›› Chọn ngày để xem lịch

Tải lịch tuần